Aralia Kết Nối Các Giáo Viên Hàng Đầu Tại Mỹ Đến Với Học Sinh Việt Nam
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và những điều cần biết cho học sinh có dự định đi du học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là gì?
Giống như tên gọi, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là bài thi để kiểm tra kiến thức mà các bạn học sinh đã học được trong suốt quá trình học THPT, một hình thức để công nhận bạn đã hoàn thành chương trình học tại bậc THPT. Ngoài ra, kết quả từ kỳ thi này còn được sử dụng trong quá trình ứng tuyển đại học tại Việt Nam.
Theo quy định mới nhất về kỳ thi năm 2025, các thí sinh sẽ bắt buộc phải hoàn thành hai môn thi Toán và Ngữ văn và hai môn tự chọn. Các thí sinh sẽ được lựa chọn thi hai trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Để đạt điều kiện tốt nghiệp THPT, học sinh cần có tổng điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên và điểm các môn thi tốt nghiệp không có môn nào thấp hơn hoặc bằng 1 (trên thang điểm 10)
Công thức tính điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính như sau:

Nguồn: VNExpress
Chú thích ảnh:
Tổng điểm KK: tổng điểm khuyến khích dành cho học sinh đạt giải thưởng
ĐTB: Điểm trung bình các năm học THPT
Điểm UT: điểm ưu tiên cho các học sinh thuộc diện ưu tiên (ví dụ: học sinh là dân tộc thiểu số)
Trong đó điểm trung bình (ĐTB) các năm học được tính như sau:

Nguồn: VNExpress
Học sinh dự định đi du học có cần thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không?
Nếu bạn theo học chương trình học trung học phổ thông của Việt Nam thì bạn vẫn cần phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nếu không đạt mức điểm tối thiểu trong kỳ thi này, bạn sẽ không được tốt nghiệp và nhận bằng . Nếu bạn có các chứng chỉ tiếng anh đạt yêu cầu, bạn có thể được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp.
Học sinh học trường quốc tế có cần thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không?
Với các bạn học sinh học trường quốc tế và học hoàn toàn chương trình quốc tế như IB hay A-level và nhận bằng từ các chương trình này thì bạn không cần thiết phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đăng ký xét tuyển vào các trường đại học tại Việt Nam bằng điểm thi tốt nghiệp thì bạn cần tham dự kỳ thi này.
Những chứng chỉ thi tiếng Anh chuẩn hóa nào được chấp nhận trong quá trình xét tuyển đại học Việt Nam?
Với các bạn học sinh có dự định du học, chắc hẳn bạn sẽ phải học và thi các chứng chỉ chuẩn hóa như IELTS hay SAT. Trong những năm gần đây, các chứng chỉ này được bộ giáo dục và đào tạo cũng như rất nhiều trường đại học tại Việt Nam cho phép sử dụng để miễn giảm môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và quy đổi thành điểm xét tuyển đại học Việt Nam.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2025, có 20 chứng chỉ có thể sử dụng để miễn thi ngoại ngữ, trong đó có 12 chứng chỉ tiếng Anh.

Nguồn: VNExpress
Mỗi trường đại học sẽ áp dụng các hệ quy đổi khác nhau cho điểm số tương ứng của các chứng chỉ này. Bạn có thể tra cứu trên trang thông tin chính thức của các trường để cập nhật thông tin chính xác nhất.
Bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ, một số chứng chỉ đánh giá năng lực như SAT cũng được nhiều trường đại học sử dụng trong quá trình xét tuyển. Một số trường đại học tiêu biểu có phương thức xét tuyển bằng điểm SAT kết hợp với điểm chứng chỉ tiếng Anh có thể kể đến như:
- Đại học Ngoại Thương yêu cầu điểm SAT tối thiểu 1380 và điểm IELTS tối thiểu 6.5
- Đại học Bách Khoa yêu cầu điểm SAT từ 1450
- Đại học Dược Hà Nội yêu cầu mức điểm SAT tối thiểu 1300
Lựa Chọn Chương Trình Đại Học Sau Tốt Nghiệp THPT
Cùng Aralia phân tích các lựa chọn giáo dục đại học cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, cũng như có góc nhìn so sánh giữa các lựa chọn này sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng đưa ra quyết định hơn.
Học đại học tại Việt Nam
Lựa chọn phổ biến nhất của các bạn học sinh sau khi hoàn thành chương trình THPT đó là ứng tuyển và nhập học các trường đại học tại Việt Nam.
Ưu điểm của đại học Việt Nam:
- Chương trình đào tạo chất lượng: nếu học sinh trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam thì sẽ nhận được chương trình đào tạo chất lượng cao từ các giảng viên hàng đầu.
- Chi phí thấp: hầu hết các trường đại học tại Việt Nam có chi phí phải chăng, phù hợp với nền kinh tế đang phát triển và thu nhập của người dân. Các trường đại học cũng thường có học bổng theo kỳ học hoặc theo năm hỗ trợ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc khen thưởng cho sinh viên có thành tích xuất sắc
- Môi trường học tập quen thuộc: học đại học tại Việt Nam, các bạn học sinh sẽ không gặp khó khăn trong quá trình làm quen với môi trường hay văn hóa mà có thể thích ứng nhanh và dễ dàng hơn. Các trường đại học lớn tại Việt Nam cũng có nhiều hoạt động ngoại khóa năng động hay sự hỗ trợ về nhiều mặt trong đời sống sinh viên.
- Sự kết nối với các doanh nghiệp tại Việt Nam: rất nhiều trường đại học lớn tại Việt Nam có các chương trình liên kết với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, hỗ trợ sinh viên có việc làm từ năm 4 đại học hoặc ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, nếu bạn theo học các ngành đặc thù như báo chí hoặc ngành luật thuộc các trường đại học Trung Ương, bạn sẽ dễ dàng hơn trong quá trình xin việc vào các cơ quan nhà nước nhờ sự hỗ trợ từ trường đại học.
Nhược điểm của đại học Việt Nam
- Chất lượng giáo dục chưa có tên tuổi trên bản đồ giáo dục thế giới: Tuy các trường đại học top đầu tại Việt Nam có chất lượng đào tạo rất tốt, tuy nhiên nhìn chung toàn bộ hệ thống giáo dục đại học tại Việt nam chưa được thế giới đánh giá cao.
- Cơ sở vật chất chưa có nhiều sự đầu tư: Để được tiếp cận với hệ thống cơ sở vật chất hàng đầu, học sinh tại Việt Nam cần theo học các trường đại học hàng đầu với nguồn tài chính dồi dào hoặc theo học các trường đại học quốc tế. Phần đông các trường đại học tại Việt Nam chỉ sở hữu cơ sở vật chất ở mức đạt chuẩn chứ chưa có nhiều sự đầu tư.
- Hạn chế về nghiên cứu học thuật ở nhiều ngành nghề: Do giáo dục mảng nghiên cứu học thuật tại Việt Nam chưa có nhiều sự phát triển cộng với cơ sở vật chất chưa có nhiều sự đầu tư nên rất nhiều ngành nghiên cứu có sự hạn chế. Một số ví dụ có thể kể đến như nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo hay công nghệ sinh học.
- Không có nhiều cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa: sinh viên học tại Việt Nam không có nhiều cơ hội trải nghiệm văn hóa từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Điều này có thể là hạn chế trong tương lai nếu bạn mong muốn được làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn.
Các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam
Các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam bao gồm các chương trình quốc tế học bằng tiếng Anh tại các trường đại học Việt Nam và các trường đại học quốc tế tại Việt Nam như Đại học RMIT Việt Nam hay Đại học Vin University.
Ưu điểm của các chương trình đào tạo quốc tế
- Chất lượng giáo dục quốc tế: các chương trình đào tạo này thường được mua bản quyền hoặc là chương trình hợp tác với các đại học quốc tế danh tiếng trên thế giới nên học sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc với môi trường giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam.
- Trải nghiệm mang tính quốc tế: Việc phải làm quen với chương trình học và môi trường quốc tế đòi hỏi học sinh phải thay đổi và thích nghi. Điều này tạo nên những trải nghiệm đáng giá trong quá trình học đại học của học sinh.
- Lợi thế cạnh tranh cho sinh viên: Sinh viên học các chương trình đào tạo quốc tế thường có lợi thế về mặt ngôn ngữ so với các sinh viên học chương trình đại học Việt Nam. Khả năng ngoại ngữ thành thạo được xây dựng trong bốn năm học đại học sẽ là lợi thế lớn khi ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn đa quốc gia sau tốt nghiệp.
Nhược điểm của các chương trình đào tạo quốc tế
- Hạn chế về cơ sở vật chất: Nếu bạn theo học các trường đại học quốc tế tại Việt Nam thì sẽ được trải nghiệm cơ sở vật chất chất lượng, tuy nhiên nếu theo học các chương trình quốc tế tại đại học Việt Nam thì thông thường cơ sở vật chất cũng sẽ tương tự như với các chương trình bình thường khác, còn chưa có nhiều sự đầu tư.
- Hạn chế về nghiên cứu học thuật: Dù là các trường đại học quốc tế tại Việt Nam như Vin University với sự đầu tư dồi dào cho các cơ sở nghiên cứu thì cũng vẫn sẽ có những hạn chế nhất định trong nghiên cứu học thuật. Cộng đồng nghiên cứu tại Việt Nam còn nhỏ và chưa có nhiều sự phát triển so với môi trường nghiên cứu học thuật tại các nước như Anh, Mỹ, hay Úc.
- Chi phí cao: Mặc dù so với du học thì học các chương trình đại học quốc tế tại Việt nam có chi phí phải chăng hơn nhưng nếu so với chi phí đại học trong nước thì con số này vẫn cao hơn rất nhiều.
Chuyển tiếp từ đại học Việt Nam sang đại học Quốc tế
Nhiều chương trình quốc tế tại các trường đại học Việt Nam có lựa chọn cho sinh viên chuyển tiếp đi du học tại các trường liên kết trên thế giới. Đây là lựa chọn được khá nhiều các bạn sinh viên Việt Nam lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều đại học quốc tế cũng chấp nhận các sinh viên chuyển tiếp từ Việt Nam.
Ưu điểm của việc chuyển tiếp từ Đại học Việt Nam
- Được trải nghiệm môi trường học thuật đa dạng: Một trong những lý do khiến nhiều học sinh lựa chọn chuyển tiếp đó là bởi cơ hội được trải nghiệm môi trường đại học tại hai quốc gia khác nhau. Trải nghiệm này sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm đáng quý cho học sinh khi tham gia thị trường lao động sau này.
- Tiết kiệm chi phí: So với việc đi du học từ năm nhất đại học thì du học theo dạng chuyển tiếp sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Vì học sinh sẽ chỉ học 2-3 năm thay vì 4 năm đại học như bình thường nên sẽ có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí.
- Cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục chất lượng cao: Học tập tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ hay Anh sẽ là cơ hội để các bạn học sinh được học hỏi và tiếp thu kiến thức từ các giáo sư hàng đầu cũng như trải nghiệm những nguồn lực và sự hỗ trợ về học thuật tại môi trường quốc tế.
Nhược điểm của việc chuyển tiếp từ Đại học Việt Nam
- Ít lựa chọn về trường và chương trình chuyển tiếp: với các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam, thông thường học sinh chỉ có một vài lựa chọn về trường mình có thể chuyển tiếp. Nếu học sinh tự làm hồ sơ chuyển tiếp sang các trường đại học quốc tế thì cũng khó có đa dạng sự lựa chọn về trường học hay ngành học do chương trình đại học tại Việt Nam có nhiều sự chênh lệch so với chương trình đại học quốc tế. Nhiều trường hợp, học sinh sẽ phải học lại một số môn học khi chuyển tiếp sang các trường đại học quốc tế.
- Hạn chế về nghiên cứu học thuật: Tuy có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với môi trường học thuật quốc tế, hạn chế về thời gian học ngắn sẽ khiến theo đuổi nghiên cứu khoa học của sinh viên chuyển tiếp sẽ khó khăn hơn so với các bạn học sinh du học từ năm nhất đại học.
- Khó có cơ hội làm việc và định cư tại nước ngoài: Hạn chế về thời gian học và kinh nghiệm làm việc có thể khiến sinh viên chuyển tiếp gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm hay cơ hội định cư tại nước ngoài.
Nghiên cứu Khoa học cùng Giảng viên Đại học Mỹ hàng đầu
Đi du học sau khi tốt nghiệp THPT
Ưu điểm của việc đi du học sau khi tốt nghiệp THPT
- Học tập tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển: Học tập tại môi trường giáo dục quốc tế với chất lượng giáo dục nổi tiếng sẽ mở ra nhiều cơ hội không chỉ về học thuật mà còn về việc làm và phát triển sự nghiệp tương lai
- Nhiều lựa chọn trường và chương trình học hơn: So với các chương trình chuyển tiếp thì việc tham gia ứng tuyển đại học quốc tế từ THPT sẽ mở ra nhiều lựa chọn về trường cũng như ngành học hơn cho học sinh. Các cơ hội nhận hỗ trợ tài chính và học bổng cũng nhiều hơn so với du học theo hình thức chuyển tiếp từ đại học Việt Nam.
- Có được trải nghiệm đại học quốc tế trọn vẹn: Ở các đại học quốc tế, hai năm đầu tiên được coi là điểm bắt đầu của toàn bộ trải nghiệm đại học với rất nhiều hoạt động thú vị. Việc đi du học từ năm nhất sẽ đem đến cho học sinh trải nghiệm trọn vẹn nhất về môi trường và văn hóa đặc trưng của các trường đại học quốc tế.
- Lợi thế cạnh tranh: Khả năng ngôn ngữ thành thạo cộng với kinh nghiệm làm việc quốc tế sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi thế về cơ hội việc làm. Bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển các vị trí tại các công ty hay tập đoàn đa quốc gia. Nhiều cơ hội làm việc và định cư: Việc học trọn vẹn 4 năm đại học đem đến lợi thế cho học sinh so với các bạn học sinh du học dạng chuyển tiếp trong quá trình xin việc làm hay cơ hội định cư. Nhiều nước trên thế giới có các yêu cầu về thời gian sinh sống tại quốc gia đó để đạt yêu cầu định cư.
Nhược điểm của việc đi du học ngay sau tốt nghiệp THPT
- Chi phí cao: Trong tất cả các lựa chọn về giáo dục đại học cho học sinh THPT sau khi tốt nghiệp, đây là lựa chọn có chi phí cao nhất (trong trường hợp bạn đi du học tự túc, không có nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính). Tuy nhiên, tùy vào khả năng chi trả của gia đình mà bạn có thể lựa chọn các quốc gia du học có chi phí phù hợp hoặc tham gia ứng tuyển học bổng hay xin hỗ trợ tài chính từ các trường đại học.
- Phải sống xa gia đình trong thời gian dài: Du học sinh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình du học như phải xa gia đình, phải làm quen với văn hóa bản địa hay vượt qua rào cản ngôn ngữ. Trải nghiệm du học cả 4 năm đại học có thể không phải là lựa chọn tốt nhất đối với nhiều học sinh nên cần được cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
- Khó hòa nhập với môi trường làm việc tại Việt Nam sau khi về nước: Nếu bạn không có ý định ở lại làm việc tại nước du học hay định cư thì khi quay về Việt Nam sau khi đi du học, bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn để làm quen và hòa nhập lại với môi trường và văn hóa làm việc tại Việt Nam.
So sánh các lựa chọn
Tiêu chí | Học đại học Việt Nam | Học chương trình đại học quốc tế tại Việt Nam | Chuyển tiếp sang đại học quốc tế từ Việt Nam | Đi du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT |
Chất lượng đào tạo | Trung bình (Chất lượng tốt ở các trường top đầu) | Tốt | Tốt đến Rất Tốt | Tốt đến Rất Tốt |
Cơ sở vật chất | Trung bình | Trung bình đến Tốt | Tốt đến Rất Tốt | Tốt đến Rất Tốt |
Chi phí | Thấp | Trung bình đến Cao | Cao | Cao đến Rất Cao |
Trải nghiệm quốc tế | Không | Trải nghiệm chương trình học quốc tế | Trải nghiệm chương trình học và môi trường quốc tế | Trải nghiệm đại học quốc tế toàn diện |
Lợi thế cạnh tranh sau tốt nghiệp | Lợi thế ở các ngành mang tính đặc thù tại Việt Nam (VD: Luật) | Lợi thế về mặt ngôn ngữ | Lợi thế về ngôn ngữ và kinh nghiệm | Lợi thế về ngôn ngữ và kinh nghiệm |
Cơ hội việc làm | Cơ hội việc làm tại Việt Nam | Cơ hội việc làm tại Việt Nam | Cơ hội việc làm tại Việt Nam và quốc tế | Cơ hội việc làm tại Việt Nam và quốc tế |
Làm thế nào để xác định đâu là lựa chọn phù hợp
Để biết lựa chọn giáo dục đại học nào sau khi tốt nghiệp THPT sẽ phù hợp với bạn thì bạn nên cân nhắc dựa trên các yếu tố sau đây:
Mục tiêu học tập: Mục tiêu của bạn khi học đại học là gì? Bạn muốn học những kiến thức cần thiết để tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm hay muốn theo hướng nghiên cứu học thuật?
Mục tiêu về công việc: Bạn muốn làm việc tại các công ty Việt Nam hay các doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn đa quốc gia?
Trải nghiệm mà bạn mong muốn có được tại đại học: Bạn muốn có trải nghiệm giáo dục quốc tế hay yêu thích môi trường tại Việt Nam?
Điều kiện tài chính: Đây là yếu tố rất quan trọng cần cân nhắc vì nó có thể là yếu tố mang tính quyết định
Tìm hiểu về chương trình học: Bạn nên tìm hiểu kỹ về chương trình học để xem bản thân có thực sự phù hợp hoặc có hứng thú với các môn học, hoạt động, hay trải nghiệm trong chương trình.
Trên đây là một số gợi ý về những yếu tố sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra lựa chọn phù hợp với định hướng, mong muốn, khả năng, và tính cách của bản thân để bạn có thể phát triển tốt nhất. Mong rằng những thông tin về các lựa chọn cho chương trình giáo dục đại học mà Aralia đưa ra trong bài viết này sẽ phần nào giúp bạn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn để đưa ra quyết định phù hợp.