Nâng cao hồ sơ học thuật chinh phục đại học Mỹ cùng giải thưởng các cuộc thi quốc tế danh giá
Tổng quan về Du học Mỹ bậc Đại học
Trong báo cáo về du học sinh tại Hoa Kỳ năm 2024 của IIE, Việt Nam đứng thứ 6 trong số những quốc gia có đông du học sinh nhất tại Mỹ. Điều này cho thấy sức hút của cường quốc giáo dục hàng đầu thế giới đối với học sinh Việt Nam.

Nguồn: Hình chụp từ báo cáo Open Doors của IIE
1. Tại sao nên du học Mỹ bậc đại học
Trong ba bậc học là phổ thông, cử nhân, và cao học thì số lượng sinh viên Việt Nam hiện đang theo học bậc cử nhân tại Mỹ là cao nhất với hơn 22,000 sinh viên trong năm 2024. Vậy điều gì khiến du học bậc đại học tại Mỹ thu hút nhiều học sinh đến như vậy? Ngoài những lý do như chất lượng học thuật hàng đầu thế giới, nền văn hóa đa sắc tộc cùng thiên nhiên đa dạng tại xứ sở cờ hoa đã được phân tích trong bài viết về những ưu điểm và nhược điểm của du học Mỹ, du học bậc đại học tại đây còn có rất nhiều điểm độc đáo và thú vị:
- Trải nghiệm đại học độc đáo và khó quên: hiếm có quốc gia nào khác xây dựng được trải nghiệm đại học mang đậm chất riêng nhưng đồng thời lại vô cùng đa dạng như tại Mỹ. Ở mỗi trường đại học sẽ có những nét văn hóa, những truyền thống rất riêng mà chỉ học sinh học tại trường mới có thể được trải nghiệm trọn vẹn. Chắc hẳn em đã từng nghe đến những truyền thống nổi tiếng như ngày phân chia nhà ký túc xá tại đại học Harvard (Harvard Housing Day), hay Dragon Day tại đại học Cornell khi các sinh viên năm nhất ngành kiến trúc sẽ thiết kế và lắp ráp một chú rồng để diễu hành quanh khuôn viên trường. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi câu lạc bộ hay hội nhóm tại trường cũng đều có những hoạt động rất riêng, rất đặc biệt. Những trải nghiệm này thường chỉ có tại bậc học cử nhân tại Mỹ và sẽ không quá phổ biến ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ.
- Cơ hội làm quen với bạn bè quốc tế từ khắc các ngành nghề: Thông thường tại đại học Mỹ, ít nhất trong năm học đầu tiên, các bạn sinh viên ở bất cứ ngành học nào cũng đều sẽ phải học những môn học đại cương cơ bản. Đây là cơ hội tuyệt vời để em có thể làm quen và mở rộng mối quan hệ với bạn bè từ nhiều ngành học khác nhau. Ở các bậc học cao hơn, sinh viên thường sẽ chỉ tập trung học chuyên ngành chính mà mình theo đuổi nên sẽ không có nhiều cơ hội làm quen và kết bạn như ở bậc cử nhân.
- Lợi thế cho cơ hội làm việc và định cư tại Mỹ: bậc học cử nhân tại Mỹ thường có thời gian học dài hơn bậc thạc sĩ và có thể tương đương với bậc tiến sĩ tùy vào kế hoạch học tập của em. Thời gian học tập và làm việc tại Mỹ lâu sẽ tạo lợi thế cho em nếu em có dự định định cư tại đây. Không chỉ vậy, sau khi tốt nghiệp cử nhân, em có cơ hội ở lại Mỹ làm việc lên tới 3 năm, sau đó nếu em tiếp tục học lên cao học, em sẽ có thêm tối đa 3 năm được ở lại làm việc nữa, mở ra nhiều cơ hội cho định hướng tương lai về sự nghiệp hơn so với nếu chỉ học thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
2. Nên chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ bậc đại học từ khi nào
Thông thường các em học sinh thường bắt đầu lên kế hoạch và xây dựng hồ sơ du học Mỹ từ năm đầu THPT (lớp 10). Đó không phải là mốc thời gian chung cho tất cả mọi người. Tùy thuộc vào khả năng và mong muốn của em mà em có thể bắt đầu từ trước lớp 10 hoặc sau lớp 10. Tuy nhiên, thời gian chuẩn càng lâu thì hồ sơ sẽ càng chất lượng nên lời khuyên là em hãy chuẩn bị từ sớm nhất có thể.
Tại sao nên chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ từ sớm?
- Hồ sơ du học đại học Mỹ xét tuyển toàn diện: Không chỉ tập trung vào điểm số hay các yếu tố học thuật, hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ còn đánh giá những khía cạnh khác để hiểu rõ về đam mê và cá tính của mỗi ứng viên. Chuẩn bị hồ sơ từ sớm sẽ giúp em có nhiều thời gian để xây dựng và phát triển các khía cạnh khác nhau của hồ sơ như điểm số, hoạt động ngoại khóa, hay bài luận một cách hoàn thiện và chỉn chu nhất.
- Cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu: Là một trong những môi trường học thuật có mức độ cạnh tranh cao, để thành công trúng tuyển vào những trường đại học hàng đầu như khối Ivy League, Ivy Plus, hay New Ivies, em cần có một hồ sơ nổi bật và gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Chuẩn bị từ sớm sẽ giúp em có thời gian để phân tích những điểm mạnh, điểm nổi bật của em thân để xây dựng những điểm nhấn làm nên một bộ hồ sơ xuất sắc, nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học có xếp hạng cao tại Mỹ.
- Cơ hội nhận được hỗ trợ tài chính: Đối với những em học sinh mong muốn nhận được hỗ trợ tài chính và học bổng từ các trường đại học Mỹ thì bên cạnh hồ sơ ứng tuyển thông thường, em sẽ cần chuẩn bị cả hồ sơ tài chính. Đại học Mỹ thường trao học bổng và hỗ trợ tài chính cho các cá nhân xuất sắc nên việc em đầu tư nhiều thời gian và công sức để xây dựng một bộ hồ sơ ấn tượng sẽ giúp nâng cao cơ hội nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ trường.
- Xây dựng kỹ năng: Theo thông tin từ khảo sát của Princeton Review thì một trong những yếu tố khó nhất của hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ đối với các em học sinh chinh là quá trình nộp hồ sơ và hoàn thiện hồ sơ. Với mỗi trường đại học, em sẽ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển khác nhau (có nhiều yếu tố có thể dùng chung nhưng có rất nhiều yếu tố em cần sửa đổi cho phù hợp với từng trường). Điều này không chỉ đòi hỏi kỹ năng viết và thể hiện quan điểm bằng tiếng Anh mà còn cần khả năng quản lý thời gian và áp lực để có thể hoàn thành tốt.
- Giảm thiểu áp lực: Chuẩn bị và nộp hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ là một quá trình gian nan và vô cùng áp lực. Việc bắt đầu chuẩn bị từ sớm sẽ phần nào giúp em giảm bớt áp lực và căng thẳng.
3. Một bộ hồ sơ du học đại học Mỹ cần những gì?
Một bộ hồ sơ du học Mỹ hoàn chỉnh sẽ gồm những yếu tố sau:
- Hồ sơ học thuật: bao gồm điểm THPT, điểm thi các chứng chỉ chuẩn hóa (SAT/ACT, IELTS/TOEFL, AP/IB,…), các giải thưởng và nghiên cứu học thuật
- Hồ sơ hoạt động ngoại khóa: danh sách các hoạt động ngoại khóa em từng tham gia, các giải thưởng/chứng nhận ngoại khóa, CV/Resume, hồ sơ năng lực (portfolio)
- Bài luận ứng tuyển: luận chính và luận phụ
- Hồ sơ tài chính: giấy tờ chứng minh tài chính của gia đình, thông tin cá nhân để điền đơn xin hỗ trợ tài chính
- Thông tin cá nhân: thông tin cá nhân của học sinh và bố mẹ để điền hồ sơ
Nếu em muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các giấy tờ và tài liệu cần thiết cho hồ sơ du học, em có thể đọc thêm tại bài viết này của Aralia.
Lộ trình chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ chi tiết từ lớp 10
Trong bài viết này, Aralia sẽ lấy cột mốc lớp 10, năm đầu tiên của bậc THPT tại Việt Nam, là thời điểm mà các em học sinh thường bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học để xây dựng một lộ trình mẫu cho em tham khảo. Lộ trình này sẽ nói về những điều em cần làm và chuẩn bị trong từng năm học tại THPT dựa trên các yếu tố cần chuẩn bị cho hồ sơ du học đại học Mỹ như: học thuật, hoạt động ngoại khóa, bài luận, và hồ sơ tài chính.
1. Lớp 9 - Bắt đầu tìm hiểu và định hướng
Để có thể bắt đầu xây dựng hồ sơ du học Mỹ vào lớp 10, em cần có sự tìm hiểu từ trước đó. Lớp 9 hoặc thời gian học THCS sẽ là thời điểm phù hợp để em tìm hiểu về du học Mỹ, khám phá đam mê của em thân và các ngành học phù hợp để có thể xây dựng một kế hoạch du học vào năm lớp 10.
Xác định mục tiêu
Bên cạnh du học đại học Mỹ, hãy tìm hiểu cả về du học bậc đại học tại các quốc gia khác như Anh, Úc, Canada, các nước Châu Âu và Châu Á khác. Du học tại mỗi quốc gia sẽ có những ưu điểm, nhược điểm, và sự thu hút riêng. Việc tìm hiểu nhiều lựa chọn sẽ giúp em xác định được đâu là lựa chọn phù hợp nhất với em thân mình. Việc dành thời gian tìm hiểu cũng giúp em chắc chắn với lựa chọn của mình hơn, từ đó xác định được mục tiêu và động lực rõ ràng để bắt đầu quá trình xây dựng hồ sơ vào năm lớp 10.
Các câu hỏi như du học Mỹ có điểm gì khiến em thích thú hay tại sao lại chọn Mỹ chứ không phải quốc gia nào khác để hiểu hơn về lựa chọn của em thân và xác định mục tiêu của mình rõ ràng hơn.
Khám phá sở thích và đam mê của em
Lớp 9 nói riêng và những năm học THCS nói chung là thời điểm tuyệt vời để em bắt đầu khám phá đam mê của bản thân. Hãy thử tham gia các hoạt động ngoại khóa mà mình chưa từng tham gia trước đây, thử chơi một môn thể thao mơi, hay học và tìm hiểu về những môn học mới. Những thử nghiệm mới đó sẽ giúp em khám phá em thân và hiểu rõ hơn về những sở thích và đam mê của mình. Nếu em có thể xác định được ngành học hay lĩnh vực mà em muốn theo đuổi tại đại học từ sớm thì quá trình tìm và lựa chọn trường đại học ở THPT sẽ dễ dàng hơn.
Không chỉ dừng lại ở khám phá, nếu em đã tìm ra được những đam mê của mình thì hãy đầu tư thời gian dành cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đó. Hãy tham gia vị trí lãnh đạo trong các câu lạc bộ thay vì chỉ là thành viên, hay thử sức tại các cuộc thi về lĩnh vực em yêu thích để phát triển đam mê và khả năng của bản thân.
Duy trì kết quả học tập và dành thời gian học tiếng Anh
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình xây dựng hồ sơ du học Mỹ, em cần trau dồi khả năng tiếng Anh tốt, không chỉ cho việc thi các chứng chỉ chuẩn hóa như IELTS hay TOEFL mà còn cho việc viết luận du học và việc học tập tại đại học trong tương lai.
Em cũng cần duy trì kết quả học tập ổn định ở các môn học trên trường. Tuy hồ sơ du học Mỹ sẽ không bao gồm kết quả học tập và điểm trung bình THCS nhưng khả năng học thuật ổn định sẽ giúp em có nền tảng kiến thức ổn định cho các môn học ở THPT.
Nghiên cứu khoa học từ bậc trung học cùng giảng viên Mỹ hàng đầu
2. Lớp 10 - Xây dựng hồ sơ học thuật và ngoại khóa
Học thuật
Chào mừng em đến với năm học đầu tiên của bậc trung học. Mục tiêu chính trong năm học lớp 10 là thử thách bản thân, cố gắng duy trì kết quả học tập tốt, và xây dựng định hướng học thuật cho thời gian 3 năm học THPT.
Tại sao: Khi các trường đại học đánh giá hồ sơ học sinh, điều đầu tiên họ xem xét là trình độ học thuật của từng thí sinh ứng tuyển. Việc trong quá trình học em có thử thách bản thân với các môn học khó và nâng cao sẽ giúp hồ sơ học thuật của em ấn tượng hơn. Với các bạn học chương trình học quốc tế, có quyền lựa chọn môn học, hãy đừng ngần ngại mà lựa chọn cả những môn học khó và nâng cao, sự cố gắng để vượt qua thách thức sẽ là một dấu ấn tốt trong hồ sơ của em. Với các bạn học chương trình THPT của Việt Nam, em có thể tự học và đăng ký thi các môn thi AP để thể hiện đam mê học thuật của mình bên cạnh chương trình học bắt buộc thông thường.
Dưới đây là những điều em nên thực hiện trong năm học lớp 10:
- Duy trì kết quả học tập tốt và xác định định hướng học thuật: Bên cạnh việc duy trì điểm trung bình (GPA) tốt, em cần dần xác định ngành học mà mình muốn theo đuổi để có sự lựa chọn lớp học phù hợp hay lên kế hoạch phát triển khả năng học thuật liên quan tới ngành học đó. Nếu em học chương trình THPT của Việt Nam và không có cơ hội được lựa chọn các lớp học nâng cao liên quan đến ngành học, em có thể cố gắng dành điểm tốt ở các môn học liên quan đến ngành học, đăng ký tham gia kỳ thi AP (Advanced Placement) của các môn học phù hợp với ngành, tham gia các cuộc thi học thuật hay thực hiện nghiên cứu khoa học.
- Trong suốt năm học, hãy duy trì mối quan hệ với giáo viên hoặc cố vấn học tập: Giáo viên hay các thầy cô cố vấn học thuật là nguồn hỗ trợ vô cùng quan trọng giúp em thích nghi với môi trường trung học. Việc thường xuyên trò chuyện với thầy cô giáo và cố vấn sẽ giúp họ hiểu em rõ hơn, theo dõi tiến độ học tập của em và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho việc lập kế hoạch trong tương lai. Những mối quan hệ này sẽ là cơ hội quý giá để em có thể xin được những lá thư giới thiệu chất lượng cho hồ sơ du học.
- Tập trung ôn tập để thi các chứng chỉ tiếng Anh: hè năm lớp 10 là thời điểm phù hợp để thi các chứng chỉ tiếng Anh nên em cần tập trung ôn tập để có kết quả tốt. Việc thi các chứng chỉ tiếng Anh sớm sẽ giúp em đỡ bị áp lực và có thể dành thời gian chuẩn bị cho các bài thi đánh giá năng lực như SAT hay ACT trong năm lớp 11.
- Tham gia các chương trình tiền đại học (Pre-college) nếu có cơ hội: rất nhiều trường đại học tại Mỹ tổ chức các chương trình tiền đại học dành cho các bạn học sinh THPT để tìm hiểu về ngành học và có cơ hội trải nghiệm môi trường đại học tại Mỹ nói chung và tại trường nói riêng. Em sẽ cần chuẩn bị hồ sơ để tham gia các chương trình này từ khoảng cuối học kỳ 1 năm lớp 10.
Hoạt động ngoại khóa
Tập trung vào các lĩnh vực em yêu thích và có tiềm năng phát triển bản thân cao nhất. Từ đó, em có thể lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa phù hợp trong năm lớp 10 và tạo các video ngắn để thể hiện đam mê và kỹ năng của mình.
- Đam mê thể thao: Đăng ký tham gia các môn thể thao em yêu thích tại trường, nỗ lực gia nhập các đội tuyển trong từng mùa thể thao, tham gia các cuộc thi cá nhân nếu phù hợp với môn em chọn (ví dụ: Golf, Tennis, Bơi lội hoặc Squash). Luyện tập chăm chỉ và thể hiện tinh thần thể thao tốt để giành được các giải thưởng và trở thành một đồng đội đáng tin cậy.
- Đam mê nghệ thuật biểu diễn: Bắt đầu xây dựng hồ sơ cá nhân và tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh hoặc sân khấu; tận dụng kỳ nghỉ hè để tham gia các hoạt động hoặc luyện tập liên quan.
- Đam mê nghệ thuật: Lên kế hoạch tham quan bảo tàng hoặc khám phá nghệ thuật qua hình thức trực tuyến. Bắt đầu viết cảm nhận và phân tích về các tác phẩm nghệ thuật cũng như phát triển khả năng thưởng thức nghệ thuật. Tiếp tục sáng tác và thử nghiệm với các thể loại nghệ thuật mới, bắt đầu xây dựng hồ sơ tác phẩm cá nhân. Hè là thời gian lý tưởng để thực hành và làm quen với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
- Hoạt động xã hội và vai trò lãnh đạo: Các trường đại học đánh giá cao những học sinh tích cực tham gia hoạt động trong trường và có khả năng lãnh đạo. Trong năm lớp 10, em có thể chủ động tham gia nhiều hoạt động tại trường hoặc tự thành lập câu lạc bộ phù hợp với sở thích cá nhân.
Tìm hiểu về các trường đại học và ngành học em quan tâm
Hãy bắt đầu thu thập thông tin về các trường đại học và, nếu có thể, đến tham quan trực tiếp để trò chuyện với đại diện tuyển sinh, hướng dẫn viên hoặc sinh viên đang theo học tại trường. Nếu em đã có ý tưởng cụ thể về lĩnh vực mình quan tâm và định hướng nghề nghiệp tương lai, em có thể tìm hiểu thông tin trường thông qua cố vấn tại trường cấp ba cũng như từ việc tự nghiên cứu.
- Tìm hiểu thông tin trường qua mạng: Em có thể đọc thông tin về các trường đại học khác nhau thông qua các trang như US News, Niche và Forbes để so sánh và đánh giá. Các tiêu chí đánh giá có thể bao gồm: vị trí địa lý, quy mô, môi trường học tập, yêu cầu đầu vào, học phí, học bổng, chỗ ở, cơ sở vật chất, v.v. Sau đó, em có thể bắt đầu lập danh sách các trường mình quan tâm.
- Kinh nghiệm thực tập: Hãy suy nghĩ về lý do em muốn học đại học và các ngành học nào tại mỗi trường liên quan đến sở thích nghề nghiệp của em. Với những nghề nghiệp em quan tâm, em có thể tham gia các chương trình thực tập có liên quan để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
3. Lớp 11 - Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển
Học thuật
Tiếp tục thử thách bản thân trong học tập:
Ở lớp 11, em nên tiếp tục chọn những lớp học nâng cao nhất trong khả năng của mình. Khi đánh giá học sinh, các trường đại học top 30 không chỉ xem xét thứ hạng GPA mà còn chú ý đến mức độ khó và thử thách của các môn học. Em nên đăng ký thêm nhiều lớp Honors và AP trong năm lớp 11 và 12, tùy theo năng lực. Các trường đại học top đầu sẽ đặc biệt chú ý đến điểm số của học sinh lớp 11, bởi vì khi em nộp hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ em thường chỉ có thể nộp bảng điểm từ năm lớp 10 đến hết năm lớp 11 hoặc đến học kỳ 1 năm lớp 12. Với các bạn học sinh theo học chương trình giáo dục THPT Việt Nam, em có thể tiếp tục tự học và đăng ký dự thi các môn AP liên quan đến ngành học mà em dự định học tại đại học, tham gia các cuộc thi học thuật quốc tế hay thực hiện nghiên cứu khoa học để cho thấy mức độ thử thách trong hồ sơ học thuật của em.
Lưu ý: Trước khi chọn lớp AP, hãy kiểm tra chính sách công nhận tín chỉ AP trên trang web của trường đại học em quan tâm.
Cải thiện kỹ năng viết bài luận đại học
Viết bài luận đại học khác so với phong cách viết trong các lớp học trung học hay viết luận cho các bài thi tiếng Anh như IELTS. Em nên học các kỹ năng viết bài luận hấp dẫn hoặc tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia để bắt đầu quá trình này.
Chuẩn bị thư giới thiệu
Thái độ học tập trong và ngoài lớp, cũng như việc em có hoàn thành bài tập về nhà, sẽ ảnh hưởng đến ấn tượng của giáo viên đối với em và sẽ được thể hiện trong thư giới thiệu. Hãy để lại ấn tượng tốt với giáo viên bằng cách:
- Tích cực tham gia phát biểu trong các tiết học trên lớp
- Đặt câu hỏi cho giáo viên để tìm hiểu thêm về bài học
- Chăm chỉ học tập và hoàn thành tốt những bài tập được giao
Vì sao quan trọng: Thông thường, các bạn học sinh sẽ xin thư giới thiệu từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy mình. Giáo viên có quan hệ tốt với em sẽ có thể đưa ra những nhận xét đúng nhất về thái độ và năng lực học tập của em trong thư giới thiệu. Những lá thư giới thiệu có sự nhận định và đánh giá phù hợp sẽ giúp làm nổi bật và có giá trị hơn cho hồ sơ du học của em.
Ngoài ra, thư giới thiệu cũng có thể đến từ người hướng dẫn tại nơi em từng làm việc, từ huấn luyện viên thể thao, hay cố vấn nghiên cứu khoa học của em. Hãy luôn giữ thái độ chuyên nghiệp trong công việc và thể hiện tinh thần thể thao tốt khi tham gia đội nhóm.
Bắt đầu tạo hoặc cập nhật hồ sơ cá nhân (resume)
Liệt kê kinh nghiệm học tập, giải thưởng, hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng, dự án mùa hè, kinh nghiệm làm việc,… trong hồ sơ cá nhân (resume) của em. Nếu đã truy cập được hệ thống nộp đơn đại học (ví dụ: common app), em có thể bắt đầu cập nhật những thông tin này lên hệ thống.
Hoạt động ngoại khóa
Nếu em nổi bật trong một lĩnh vực nào đó, đây là thời điểm để xây dựng thành tựu:
- Thể thao: Nếu em giỏi thể thao, hãy tiếp tục tham gia và cố gắng gia nhập đội tuyển nếu chưa là thành viên.
- Nghệ thuật biểu diễn hoặc thị giác: Nếu em có năng khiếu trong ca hát, kịch, hội họa, nhiếp ảnh,… hãy tạo danh mục sản phẩm (portfolio). Duy trì việc tham gia các CLB hoặc khóa học liên quan và tìm cơ hội giữ vai trò lãnh đạo. Nếu trường chưa có CLB phù hợp, em có thể tự thành lập để theo đuổi đam mê và phát triển kỹ năng lãnh đạo.
- Chuyên môn học thuật: Tham gia vào CLB, dự án trong trường hoặc ngoài trường liên quan đến các môn em giỏi hoặc quan tâm để phát triển năng lực và sở thích.
- Trở thành lãnh đạo: Tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động trường, rèn luyện kỹ năng mềm như lãnh đạo, đàm phán, thuyết trình. Phấn đấu giành vị trí lãnh đạo trong các CLB hoặc cộng đồng em quan tâm nhất.
Kỳ thi đánh giá năng lực
Chuẩn bị và đăng ký thi ACT hoặc SAT:
Điểm thi chuẩn hóa là một phần quan trọng trong hồ sơ đại học vì chúng phản ánh năng lực học tập. Hãy thi lần đầu vào học kỳ 1 năm lớp 11 và lần hai vào học kỳ 2. Giữa hai lần thi, hãy đánh giá điểm số, tìm điểm yếu, sử dụng sách luyện thi ACT/SAT để cải thiện và đạt mục tiêu điểm số cao hơn trong lần thi tiếp theo.
Thi AP:
Nếu em học lớp AP, hãy chuẩn bị cho kỳ thi AP vào tháng 5.
Hiểu sâu hơn về các trường đại học em quan tâm
Hãy xây dựng danh sách đại học hoàn chỉnh với các nhóm trường mục tiêu, trường an toàn, và trường mơ ước. Em có thể thực hiện phân tích các thông tin và so sánh giữa các trường với nhau để đưa ra danh sách cuối cùng mà em dự định sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển
Kế hoạch kỳ nghỉ hè
- Nếu có điều kiện, tiếp tục tham quan các trường đại học em quan tâm.
- Tham gia thực tập, làm việc hoặc hoạt động cộng đồng liên quan đến sở thích, đam mê, hoặc ngành học em theo đuổi
- Tham gia chương trình tiền đại học (Pre-College) để nâng cao năng lực học tập trong lĩnh vực yêu thích.
- Nếu cần thi ACT/SAT lần 3, hãy sử dụng kỳ nghỉ để học và luyện thi.
- Bắt đầu lên ý tưởng và viết bản nháp bài luận cá nhân dùng cho hồ sơ đại học.
- Bắt đầu điền thông tin cá nhân lên hệ thống Common App hoặc hệ thống riêng của các trường tại tiểu bang em muốn nộp hồ sơ.
4. Lớp 12 - Hoàn thiện và nộp hồ sơ
Năm lớp 12 cuối cùng cũng đến rồi! Vẫn còn rất nhiều việc cần làm để chuẩn bị cho hồ sơ xét tuyển đại học. Em có thể sử dụng danh sách kiểm tra kế hoạch sau đây để theo dõi tiến trình của mình và ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng như kỳ thi sắp tới, hạn nộp hồ sơ và hạn thông báo kết quả tuyển sinh.
Học thuật
Tiếp tục thử thách bản thân trong năm cuối trung học: Lớp 12 là năm học bận rộn, nhưng em không được lơ là trong học tập. Hãy tiếp tục thử thách bản thân bằng cách chọn các lớp khó hơn và duy trì điểm số xuất sắc.
Bảng điểm gửi đến các trường sẽ thể hiện điểm giữa kỳ hoặc cuối kỳ học kỳ đầu của lớp 12. Khi bạn được nhận vào đại học vào mùa xuân, trường trung học sẽ gửi bảng điểm tổng kết của toàn bộ lớp 12. Kết quả học kỳ hai có thể ảnh hưởng đến điều kiện nhận học bổng, hỗ trợ tài chính, hoặc chương trình danh dự nếu trường có.
Hoạt động ngoại khóa
Tiếp tục phát triển kỹ năng lãnh đạo và thể hiện điều đó trong hồ sơ đại học: Học sinh có thế mạnh trong nghệ thuật hoặc thể thao nên tiếp tục trao đổi chiến lược hồ sơ với cố vấn đại học, huấn luyện viên, hoặc giáo viên nghệ thuật.
Ít nhất hai tuần trước hạn nộp hồ sơ, em nên nhắc nhở giáo viên, cố vấn, huấn luyện viên hoặc quản lý tại nơi em thực tập hoàn thành và gửi thư giới thiệu cho trường theo hướng dẫn.
Nộp hồ sơ đại học cho tất cả các trường trong danh sách trước hạn
Hoàn tất hồ sơ cho từng trường, bao gồm các tài liệu chung trong từng hệ thống nộp hồ sơ, tài liệu bổ sung yêu cầu bởi từng trường, thư giới thiệu. Nộp đầy đủ các tài liệu bổ sung như bảng điểm và điểm thi đúng thời gian để tránh sự cố hoặc chậm trễ.
Nếu em nộp hồ sơ sớm theo diện EA (Early Action) hoặc ED (Early Decision), tất cả tài liệu liên quan phải được hoàn thành vào khoảng đầu tháng 10 để cuối tháng 10 em có thể bắt đầu gửi hồ sơ đi. Nếu em nộp hồ sơ vào hạn nộp thông thường thì nên hoàn thiện hồ sơ vào khoảng cuối tháng 12.
Lớp 12 từ tháng 1 đến tháng 5
Các trường có kỳ nộp hồ sơ sớm EA/ED thường công bố kết quả vào giữa đến cuối tháng 12. Nếu được nhận theo diện ED, em hãy hoàn tất thủ tục nhập học sau khi nhận được thông báo.
Từ tháng 4 đến tháng 5, em có thể nộp thêm tài liệu bổ sung (nếu cần) như bảng điểm toàn bộ lớp 12, xác nhận lựa chọn ký túc xá của em, tham gia các cộng đồng học sinh trên mạng xã hội của trường để gặp gỡ bạn học tương lai.
Nếu em không được nhận theo EA hoặc ED, hãy cân nhắc nộp hồ sơ ED2 vào tháng 1. Nếu không nộp ED2, hãy hoàn tất và nộp các hồ sơ vào kỳ nộp thông thường (Regular Decision – RD). Kết quả sẽ được công bố vào tháng 3 và 4. Lúc đó, em cần chọn trường trong số những trường em trúng tuyển. Hãy cân nhắc đến việc tham quan trường và tìm hiểu thêm thông tin về các trường em trúng tuyển để có thể đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn. Em có thể đánh giá mức độ phù hợp của trường qua một số khía cạnh như sự phù hợp của ngành học, định hướng phát triển cá nhân, hay văn hóa trường và đưa ra quyết định cuối cùng nơi em muốn gắn bó trong 4 năm tới. Sau khi chọn trường sẽ nhập học, em hãy thanh toán các khoản phí cần thiết và nộp hồ sơ theo đúng hạn được yêu cầu trong tài liệu nhập học.
Nếu em nhận được kết quả waitlisted hoặc deferred từ trường cho hồ sơ ứng tuyển của mình và em vẫn quyết tâm muốn chờ kết quả từ trường, em có thể tham khảo những hướng dẫn trong bài viết này để nâng cơ hội trúng tuyển của mình.
Bên cạnh việc nhận thư trúng tuyển và đưa ra lựa chọn trường đại học thì lễ tốt nghiệp trung học của em cũng sẽ diễn ra vào thời gian này. Hãy tận hưởng những khoảng thời gian trung học cuối cùng cùng thầy cô và bạn bè nhé!
Tốt nghiệp trung học và chuẩn bị vào đại học (tháng 6 đến tháng 7)
Sau khi đã lựa chọn trường và hoàn tất đăng ký nhập học, em cần thực hiện các thủ tục tiếp theo để xin visa cho du học sinh. Nộp đơn xin visa F-1, chuẩn bị cho việc nhập học, thực hiện các yêu cầu khám sức khỏe và tiêm chủng từ trường đại học.
Em cũng có thể bắt đầu tìm hiểu về các môn học vào năm nhất đại học của trường trong kỳ nghỉ hè để cân nhắc xem mình sẽ lựa chọn môn nào và tham gia chương trình định hướng của trường đại học để chuẩn bị kỹ càng cho kỳ nhập học mùa thu.
5. Bảng kế hoạch tổng quát
Lớp | Học thuật | Ngoại khóa | Thi chứng chỉ | Khác |
9 | Duy trì kết quả học tập ổn định Nếu em học tốt một môn học nào đó hãy cố gắng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi | Tiếp tục phát triển ở các hoạt động em yêu thích và thử sức ở các hoạt động mới để khám phá bản thân | Trau dồi kiến thức tiếng Anh và kỹ năng viết tiếng Anh để chuẩn bị thi IELTS vào lớp 10 và cho việc viết luận | Tìm hiểu về hệ thống đại học ở các nước khác nhau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất |
10 | Làm quen với môi trường THPT, duy trì điểm GPA tốt Thử thách với các lớp học nâng cao hoặc tự học các môn AP Tham gia các cuộc thi học thuật liên quan đến chuyên ngành em thích hoặc thử sức với nghiên cứu khoa học | Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và tìm hướng phát triển ở các hoạt động đó như thi đấu thể thao hay tham gia ban điều hành CLB Chọn lọc các hoạt động phù hợp nhất với định hướng về ngành nghề và thể hiện được đam mê, điểm nổi bật của bản thân | Ôn tập và chuẩn bị thi chứng chỉ IELTS Chuẩn bị ôn tập cho các kỳ thi chuẩn hóa ACT/SAT, nên thi sớm nếu có thể | Tìm hiểu về các trường đại học Mỹ và ngành học phù hợp Bắt đầu lên danh sách các trường em muốn ứng tuyển |
Hè lớp 10 lên 11 | Tham gia các chương trình pre-college nếu có thể để tìm hiểu về trường/ngành học Thử sức với các vị trí thực tập để tìm hiểu về ngành học Luyện tập và nâng cao kỹ năng tiếng Anh, chú trọng kỹ năng viết để phục vụ việc viết luận Có thể thi các chứng chỉ tiếng anh trong mùa hè (đảm bảo chứng chỉ còn hạn cho thời điểm nộp hồ sơ) | |||
11 | Tiếp tục duy trì điểm GPA tốt và thử thách bản thân với các lớp nâng cao, các môn thi AP Thử sức với các cuộc thi học thuật quốc tế liên quan đến ngành học hoặc thể hiện hiểu biết, khả năng ngôn ngữ, tư duy | Nỗ lực phát triển ở các hoạt động ngoại khóa như cố gắng tham gia các vị trí lãnh đạo Em có thể sáng lập các dự án hoặc CLB mới cùng bạn bè | Thi hoăc thi lại SAT/ACT, cố gắng đạt điểm cao nhất có thể Thi hoặc thi lại các chứng chỉ tiếng Anh | Lựa chọn danh sách trường mục tiêu, trường mơ ước, và trường an toàn cuối cùng để chuẩn bị hồ sơ Lên ý tưởng bài luận và bắt đầu viết luận Xin thư giới thiệu từ giáo viên, cố vấn Chuẩn bị CV/resume |
Hè lớp 11 lên 12 | Thi lại các chứng chỉ tiếng anh và chứng chỉ đánh giá năng lực nếu cần thiết Bắt đầu điền các thông tin cá nhân trên các hệ thống nộp hồ sơ ứng tuyển đại học (Common App) Viết luận, sửa luận, và hoàn thành luận chính trong mùa hè | |||
12 | Duy trì điểm GPA và tiếp tục lựa chọn các môn học thử thách trong năm học này | Duy trì và mở rộng các hoạt động ngoại khóa, hoàn thành tốt vai trò của mình (đề phòng trường hợp em cần thêm tài liệu trong trường hợp bị waitlisted hoăc deferred) | Thi các chứng chỉ chuẩn hóa lần cuối nếu cần thiết | Bắt đầu nộp hồ sơ cho các kỳ nộp sớm vào cuối tháng 10 (nên nộp trước hạn 1 vài ngày) Nộp hồ sơ cho kỳ nộp thông thường Chuẩn bị tinh thần để đưa ra quyết định chọn trường và hiểu rõ những việc cần làm khi bị waitlisted hoăc deferred Chuẩn bị tài liệu và tài chính cần thiết để hoàn thành thủ tục đăng ký nhập học và xin visa |
Quá trình xây dựng, chuẩn bị hồ sơ và ứng tuyển đại học Mỹ là một quá trình dài cần sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi. Việc lên kế hoạch chi tiết cho quá trình này sẽ giúp em cảm thấy đỡ áp lực hơn và tránh bỏ lỡ những đầu việc quan trọng cần thực hiện. Em có thể tham khảo mẫu template kế hoạch du học Mỹ (college planner) của Aralia để sử dụng cho việc lên kế hoạch và theo dõi tiến độ chuẩn bị hồ sơ của mình. Chúc các em may mắn và thành công trúng tuyển trường đại học Mỹ mơ ước.
Đọc thêm:

Luyện Thi Cuộc Thi Quốc Tế
Luyện Thi Cuộc Thi Quốc Tế Làm nổi bật hồ sơ với các cuộc thi Rèn kỹ năng, nắm chắc tư duy chiến lược và

Luyện Thi AP và IB
Luyện Thi AP và IB Đạt kết quả cao trong các kì thi AP và IB Tối ưu hóa hiệu quả học tập và cải